Tin chuyên nghành

Kỳ thú những ngọn đèn biển

Những hải đăng dọc theo biển Nam Trung bộ là điểm đến trong hành trình dài năm ngày của nhóm chúng tôi. Hơn một tiếng đi thuyền từ cảng Cầu Đá (Nha Trang), rồi cuốc bộ 3 – 4km theo triền núi chúng tôi đặt chân đến trạm hải đăng Hòn Lớn trong ánh chiều tà.

Có tuổi đời đã hơn 100 năm, Hòn Lớn được xếp vào hàng đèn biển xưa nhất không chỉ ở VN mà còn ở khu vực Đông Nam Á. Tuột xuống dốc cao 102m so với mặt nước biển, chúng tôi được vùng vẫy giữa một bãi tắm hoang sơ.

Từng bãi đá cuội được sóng biển mài dũa thành những hình tròn trịa hệt như được đúc trong khuôn công nghiệp vậy. Đeo chiếc kính lặn hụp xuống nước sẽ được ngắm nhìn từng đàn cá đủ màu sắc bơi lội hay những rạn san hô đung đưa đầy sức sống…
Đem theo ít mù tạt sẽ được thưởng thức món hào sống cạy ra khỏi đá ăn liền tại chỗ. Đêm, dưới ngọn đèn biển quét ra từng luồng xa đến 26 hải lý, tiếng đàn guitar bập bùng hòa quyện với những khúc hát giao lưu. Xung quanh bốn bề sóng vỗ.

Trạm hải đăng Đại Lãnh nằm ở cực đông Tổ quốc (thuộc tỉnh Phú Yên). Thú nhất là đêm nằm dưới chân hải đăng ngắm ngàn vì sao trên trời. Gió biển ùa lên mát rượi ru ngủ lúc nào không hay. Vị trí của hải đăng Đại Lãnh còn là một nơi thám hiểm đầy cảm giác mạnh với nhiều vực sâu hun hút cả 100m.

Đứng trên vực nhìn xuống hú hồn, nhưng cứ nương theo đá và bám vào mấy bụi cầu gai bạn sẽ lần mò được xuống tận đáy vực. Bãi biển bao quanh ngọn núi đặt hải đăng đẹp mê hồn, cát mịn, nước trong vắt, lặng im như chiếc hồ bơi khổng lồ. Một chuyến đi mà bạn sẽ có cả một “bộ sưu tập” đèn biển Ghềnh Đèn (Phú Yên), Phước Mai (Qui Nhơn), Kê Gà (Bình Thuận)… Mỗi hải đăng đều được đặt trong một khung cảnh thiên nhiên rất riêng, rất đặc biệt và cũng rất quyến rũ những bước chân ưa khám phá.

Cảm giác hấp dẫn nhất khi đến với các ngọn hải đăng là được theo chân những người gác đèn đi săn cá chình biển. Hầu hết họ đều là những tay săn rất cứng nghề. Ở hải đăng Đại Lãnh, chúng tôi đã có được một buổi đi săn kỳ thú khi xuống tới vực sâu thẳm. Nơi cá chình trú ngụ là các hốc đá sâu tối om, mỗi đợt sóng đánh vào nước trong hang lại dâng lên. Ngồi quan sát, chờ đợi trong hồi hộp, bất chợt trong bóng tối một vệt đen thui trườn ra ngoác miệng đớp mồi.

Cá chình được chuyền tay từng người kèm lời dặn dò coi chừng bị cắn vì nọc của cá chình rất độc sẽ làm cho máu không đông. Chỉ có một cách chữa là lấy rong biển chà vào vết thương.